II.
BINH-KHÍ CỔ-TRUYỀN
3 - Binh-Khí Cán Dài
« CÔN & ROI »
« Côn » và « Roi » là môn Binh-Khí nòng-cốt trong giáo-trình Võ-Thuật Cổ-Truyền Bình-Định.
Ngôn-từ « Roi » xuất-phát từ Hán-tự « Pien hay Bian 鞭 », dịch viết ra bạch-âm là «Tiên » và sau đó được phiên-dịch ra chữ Nôm là « Roi ».
Hình-thể của « Côn » thì có hai đầu đường-kính bằng nhau ; còn hình-thể của « Roi » thì có một đầu to gọi là "Đốc" hay "Gốc" và thuôn dần đến đầu nhỏ gọi là "Ngọn".
A - « Côn » gồm có Ba Loại :
1.- « Đoản-Côn » (loại Côn đo từ đầu ngón tay giữa của bàn tay tới cùi chõ hoặc là tới nách - tùy theo Môn-Phái - và thường được dùng một cặp gọi là « Song Côn ») ;
2.- « Trung-Côn », thì được chia ra làm Hai Thứ :
2a) Thứ Trung-Côn chống từ mặt đất lên tới ngang tầm nách ;
2b) Thứ Trung-Côn chống từ mặt đất lên tới ngang tầm lông mày, gọi là « Tề-Mi Côn » ;
3.- « Trường-Côn » (loại Côn chống từ mặt đất lên ngang tầm tay đưa thẳng lên trời).
Trường-Côn
(Tín-dụng Ảnh : WLE Enterprises)
Ngoài ra trong Côn-Pháp còn dạy thêm về « Thiết-Lĩnh » ( 鐵 領 ) rất lợi-hại, phôi-thai từ dụng-cụ nông-nghiệp dùng để đập lúa. Thiết-Lĩnh là loại Côn Nhị-Khúc đặc-thù của người Việt, gồm có một khúc dài và một khúc ngắn nối liền nhau bằng giây thừng hoặc xích-sắt.
Người Trung-Hoa cũng sử-dụng loại Côn Nhị-Khúc - một khúc dài và một khúc ngắn - này và gọi nó là Trường Sao-Tử (長 梢 子), có khi gọi là Mẫu-Tử-Côn 母 子 棍, nhưng Côn Tam-Khúc, gọi là Tam-Tiết-Côn (三 節 棍), mới là đặc-thù của họ.
Còn người Nhật sử-dụng loại Côn Nhị-Khúc, gọi là « Nunchaku » (Nông-Gia Cụ), với hai Đoản-Côn ngắn bằng nhau và nối liền nhau bằng giây thừng hoặc xích-sắt, là loại binh-khí không thuộc về Côn-Pháp.
B - « Roi » gồm có hai loại :
1.- « Roi-Đoản » (Đoản-Tiên), loại Roi chống lên tới ngang tầm lông mày, gọi là « Roi Tề Mi hay Roi Chiến » ;
2.- « Roi-Trường » (Trường-Tiên), loại Roi chống lên cao quá tầm tay đưa thẳng lên trời, tức là « Roi-Trận ».
Tường-Tiên
(Tín-dụng Ảnh : BĐ SLC France)
Ban Võ-Sư TRỊNH Quang Thắng |